GIAI ĐOẠN 1975 - 1989
HOÀN THÀNH SỨ MỆNH PHÁT ĐIỆN CỦA NHÀ MÁY ĐIỆN
Sau trận Điện Biên Phủ trên không, miền Bắc bước vào giai đoạn khôi phục sau chiến tranh. Sản xuất theo cơ chế bao cấp, kế hoạch trên giao. Giai đoạn này, bên cạnh việc khôi phục sản xuất thì đời sống của CBCNV cũng rất khó khăn. Thiếu thốn đủ bề. Mỗi tháng Nhà máy phải lo 27-30 tấn gạo cho CBCNV. Các anh chị làm công tác công đoàn được giao phó phần trách nhiệm lo đời sống. Mỗi lần chở gạo về phân cho CBCNV là một lần các cán bộ công đoàn vừa mừng vừa lo. Nhớ nhất là lần mua gạo từ Hải Phòng về. 10 xe chở gạo nối đuôi nhau chạy suốt đêm, mỗi xe một khẩu súng, mỗi cán bộ là một chiến sĩ để không bị cướp gạo dọc đường. 5h sáng về đến nơi, CBCNV mang rá rổ ào ra lấy gạo, thế là mấy anh em lại chia gạo luôn quên cả nghỉ ngơi, nhìn nụ cười của CBCNV là thấy mình hạnh phúc.
Hồi ấy, Nhà máy tăng cường cán bộ đi xây dựng các công trình thủy điện ở một số nơi thường là vùng sâu, vùng xa. Khi công trình xong bà con không có tiền, tiền công được tính ra sắn, ngô, khoai, trâu, lợn… đem về chia cho anh em trong Nhà máy, thế đã là quí lắm. Mỗi năm, Công đoàn phải lo ít nhất phải 30 con trâu, 40 con lợn để anh em lo tết. Vậy mà có lần mùng 1 Tết vẫn còn đi làm đường dây, giữa đường gặp lũ, xe không qua được suối, đoàn công tác chỉ biết tung dây buộc từ bên này sang bên kia suối rồi lần dây leo sang, ngủ trong rừng, sáng hôm sau mới tiếp tục đi bộ về.
Nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân viên yên tâm làm việc, Nhà máy tiếp tục củng cố nhà trẻ cho cán bộ, công nhân viên gửi con. Các mẹ có khi hơn 1 tháng đã phải đi làm ca, đến giờ, người nhà phải bế con vào cổng Nhà máy để mẹ ra cổng cho con bú rồi lại vào làm. Bù lại, Nhà máy hỗ trợ tiền gửi, tiền ăn cho các con. Do đó, dù tỉ lệ nữ chiếm khoảng 40% trên các dây chuyền sản xuất nhưng chị em luôn khắc phục mọi khó khăn để đi làm.
Tuy vật chất thiếu thốn như vậy nhưng tinh thần làm việc của anh chị em thì không hề suy giảm. Phong trào thi đua lao động sản xuất, sáng kiến cải tiến, tiết kiệm được phát động khắp các phân xưởng, giữa phân xưởng này với phân xưởng khác. CBCNV ngày đêm bám trụ để vận hành máy móc đảm bảo an toàn. Việc khắc phục sửa chữa chủ yếu là tự phát huy sáng kiến cải tiến vì lúc này không còn trông chờ được vào các chuyên gia Trung Quốc.
Ngày 13/3/1976, Đảng bộ Nhà máy Điện Thái Nguyên tổ chức đại hội khóa 8, nhiệm kỳ từ tháng 03/1976 - 03/1978, số lượng Ủy viên BCH gồm 15 đồng chí, Bí thư Đảng ủy đồng chí Lại Ngọc Tháp. Đại hội xác định phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ và biện pháp phấn đấu đến năm 1978. Thực hiện tinh thần của Đại hội khoá 8, Nhà máy có nhiều sáng kiến, trong đó có sang kiến hệ thống lọc than bụi, tận dụng tro bụi để làm than loại 5 tái sinh đưa vào đốt lò, bã xỉ thải ra trộn thêm xi măng đóng gạch không nung, phục vụ CBCNVC xây nhà. Tổng kết trong giai đoạn này, mỗi năm Nhà máy có tới 50 -70 sáng kiến lớn nhỏ, là đơn vị luôn dẫn đầu trong ngành Điện về các phong trào thi đua và được Tổng Liên đoàn đánh giá cao.
Tháng 1/1978, Nhà máy Điện Thái Nguyên được thưởng cờ luân lưu của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Báo Nhân Dân ngày 27/1/1978 đưa tin: “Nhà máy đã vận hành lò an toàn, số giờ và công suất phát điện cao nhất trong ngành Điện, hoàn thành kế hoạch trước thời hạn 3 tháng. Nhờ áp dụng 208 sáng kiến, Nhà máy đã tiết kiệm được 1.500 tấn than, 193 tấn dầu, giảm 1,4 triệu kWh điện tự dùng, làm lợi 68 ngàn đồng”.
Trong giai đoạn này, Nhà máy đã đầu tư và phát triển các chi nhánh. Ngày 3/12/1980, thành lập chi nhánh điện Thành phố Thái Nguyên và chi nhánh huyện Phổ Yên. Tiếp đến ngày 10/3/1986, Chi nhánh điện huyện Đồng Hỷ được đầu tư, xây dựng.
Cũng trong thời gian này, Ban chấp hành Đảng uỷ tổ chức đại hội Đảng bộ khóa IX, nhiệm kỳ từ tháng 03/1978 - 11/1979, số lượng Ủy viên BCH gồm 15 đồng chí, Bí thư Đảng ủy đồng chí Chu Văn Bản. Tiếp theo đó là khóa X, Đại hội tổ chức vào ngày 10,11/12/1978, nhiệm kỳ từ tháng 01/1979 đến tháng 11/1982 số lượng Ủy viên BCH gồm 13 đồng chí, Bí thư Đảng ủy là đồng chí Nguyễn Đình Ẩm. Khóa XI Đại hội tổ chức vào ngày 02,03/11/1982, nhiệm kỳ từ tháng 11/1982 - 03/1985 số lượng Ủy viên BCH gồm 15 đồng chí, đồng chí Nguyễn Đình Ẩm vẫn làm Bí thư Đảng ủy.
Danh sách Ban chấp hành Khoá VIII ( 1976-1978)
STT | Họ và tên | Chức vụ Đảng | Chức vụ Chuyên môn | Ghi chú |
1 | Lại Ngọc Tháp | Bí thư Đảng ủy | | |
2 | Chu Văn Bản | Phó bí thư | Quyền Giám đốc | |
3 | Đồng Đức Biền | Thường vụ | Thư ký CĐ | |
4 | Đặng Đức Biện | Thường vụ | Thư ký CĐ | Đi biệt phái vào miền NamTừ... |
5 | Nguyễn Năng Cung | | Phó giám đốc | |
6 | Trịnh Xuân Nghiên | Thường vụ | Quyền quản đốc | |
7 | Nguyễn Đình Ẩm | Đảng ủy viên | Quyền quản đốc | |
8 | Hoàng Kim Lân | Đảng ủy viên | Trưởng phòng | |
9 | Dương Văn Hạp | Đảng ủy viên | Bí thư đoàn TN | |
10 | Đào Văn Sa | Đảng ủy viên | Quyền phó quản đốc | |
11 | Vũ Công Duệ | Đảng ủy viên | Quyền phó quản đốc | |
12 | Trần Xuân Thành | Đảng ủy viên | Quyền phó quản đốc | |
13 | Trần Thị Đức | Đảng ủy viên | Công nhân | |
14 | Trần Năm Châu | Đảng ủy viên | Quyền T. phòng | |
15 | Đỗ Kim | Đảng ủy viên | Quyền T. phòng | |
Dánh sách Ban chấp hành Đảng bộ khoá IX (1978-1979)
STT | Họ và tên | Chức vụ Đảng | Chức vụ Chuyên môn | Ghi chú |
1 | Chu Văn Bản | Bí thư Đảng ủy | | Đại hội giữa nhiệm kỳ vào 18/6/1979 |
2 | Nguyễn Năng Cung | Phó bí thư | Giám đốc | |
3 | Đồng Đức Biền | Thường vụ | Thư ký CĐ | |
4 | Trịnh Xuân Nghiên | Thường vụ | Phó quản đốc | |
5 | Hoàng Kim Lân | Đảng ủy viên | Phó giám đốc | |
6 | Lê Văn Cốc | Đảng ủy viên | Trưởng phòng | |
7 | Nguyễn Đình Ẩm | Đảng ủy viên | Quản đốc | |
8 | Nguyễn Thị Tình | Đảng ủy viên | Chủ tịch CĐ | |
9 | Dương Văn Hạp | Đảng ủy viên | Bí thư đoàn TN | |
10 | Nguyễn Văn Đàn | Đảng ủy viên | Phó phòng | |
11 | Triệu Văn Phòng | Đảng ủy viên | Kỹ sư | |
12 | Trần Nam Phố | Đảng ủy viên | Đốc công | |
13 | Đinh Văn Tiến | Đảng ủy viên | Công nhân | |
14 | Vũ Công Duệ | Đảng ủy viên | Phó quản đốc | |
15 | Ma Thịnh Đặng | Đảng ủy viên | Công nhân | Học trường CĐ từ tháng 6/1979 |
Danh sách Ban chấp hành khoá X 1979-1982
STT | Họ và tên | Chức vụ Đảng | Chức vụ Chuyên môn | Ghi chú |
1 | Nguyễn Đình Ẩm | Bí thư Đảng ủy | | |
2 | Nguyễn Năng Cung | Phó bí thư | Giám đốc | |
3 | Đồng Đức Biền | Thường vụ | Thư ký CĐ | |
4 | Trịnh Xuân Nghiên | Thường vụ | Phó quản đốc | |
5 | Triệu Văn Phòng | Đảng ủy viên | Trưởng phòng | |
6 | Nguyễn Thị Tình | Đảng ủy viên | Chủ tịch CĐ | |
7 | Phạm Hạnh | Đảng ủy viên | Quản đốc | |
8 | Trần Nam Phố | Đảng ủy viên | Phó quản đốc | |
9 | Nguyễn Văn Đàn | Đảng ủy viên | Phó phòng | |
10 | Đinh Văn Tiến | Đảng ủy viên | Công nhân | |
11 | Vũ Công Duệ | Đảng ủy viên | Phó quản đốc | |
12 | Nguyễn Xuân Hoàn | Đảng ủy viên | Trưởng kíp | |
13 | Phạm Hoàng Kiểm | Đảng ủy viên | Công nhân | |
Đi đôi với sản xuất, chăm lo đời sống cán bộ, công nhân viên trong thời gian này Nhà máy luôn quan tâm, coi trọng công tác bảo vệ. Hàng năm, Nhà máy xây dựng kế hoạch sản xuất bằng nhiều biện pháp cụ thể. Các nội qui, qui định được chấn chỉnh, bổ sung kịp thời với tình hình. Lực lượng bảo vệ được quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ.
Tháng 02/1985, Nhà máy Điện Thái Nguyên được đổi tên thành Sở Điện lực Bắc Thái (B6) do kỹ sư Lê Thạc Ngạn làm Giám đốc. Nhiệm vụ của Nhà máy lúc này bên cạnh việc sản xuất ra dòng điện có thêm phần truyền tải và phân phối điện năng. Cụ thể là: Sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng; sửa chữa, xây dựng phát triển lưới điện và quản lý nhà nước về điện trên địa bàn tỉnh Bắc Thái. Từ đây, Nhà máy bước sang một giai đoạn mới – hòa mình cùng công cuộc đổi mới của dân tộc để vươn lên thành một điểm sáng của ngành Điện trong thời kỳ đổi mới.
Cũng trong năm 1985, Ban chấp hành Đảng bộ tổ chức Đại hội Đảng bộ khoá 12 vào ngày 12, 13/03/1985, nhiệm kỳ từ tháng 03/1985 -12/1988, số lượng Ủy viên BCH gồm 15 đồng chí, Bí thư Đảng ủy đồng chí Nguyễn Đình Ẩm. Nghị quyết đại hội đã chỉ ra những mục tiêu lớn và những biện pháp thực hiện kế hoạch sản xuất từ năm 1985 đến năm 1988. Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ, các phân xưởng sôi nổi đẩy mạnh phong trào thi đua ở từng vị trí sản xuất. Những nỗ lực của cán bộ, công nhân viên Nhà máy Điện Thái Nguyên đã được ghi nhận, từ năm 1984 đến năm 1988, Nhà máy Điện Thái Nguyên vinh dự 2 lần được Đảng và Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý - Huân chương Lao động hạng Nhất (1984 – 1988).
Danh sách Ban chấp hành đảng bộ Khoá XI- 1982-1985
STT | Họ và tên | Chức vụ Đảng | Chức vụ Chuyên môn | Ghi chú |
1 | Nguyễn Đình Ẩm | Bí thư Đảng ủy | | |
2 | Lê Thạc Ngạn | Phó bí thư | Giám đốc | |
3 | Trịnh Xuân Nghiên | Thường vụ | Thư ký CĐ | |
4 | Triệu Văn Phòng | Thường vụ | Phó giám đốc | |
5 | Hoàng Kim Lân | Đảng ủy viên | Phó giám đốc | |
6 | Phạm Hạnh | Đảng ủy viên | Đội trưởng | |
7 | Đinh Văn Đỗ | Đảng ủy viên | Quản đốc | |
8 | Lê Văn Cốc | Đảng ủy viên | Quản đốc | |
9 | Nguyễn Văn Đàn | Đảng ủy viên | Phó phòng | |
10 | Đinh Văn Tiến | Đảng ủy viên | Công nhân | |
11 | Lê Đình Cửu | Đảng ủy viên | Trưởng kíp | |
12 | Nguyễn Thị Tình | Đảng ủy viên | Chuyên trách CĐ | |
13 | Nguyễn Đức Bồng | Đảng ủy viên | Chuyên trách Đảng | |
14 | Dương Thị Sinh | Đảng ủy viên | Trưởng trạm y tế | |
15 | Phạm Hoàng Kiểm | Đảng ủy viên | Trưởng kíp | |